Translate

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Tìm hiểu về "HỌ"



Do phần lớn chúng ta không phải là nhà sử học để nghiên cứu sâu về lịch sử. Về Việt sử, lại ít hiểu vế Hán - Nôm nên cho rằng con người sinh ra ắt là đã có họ. Một số người có nghiên cứu thì cho rằng: Người Việt cổ đã có họ, hay tộc họ cách đây vài ngàn năm.
Thực tế, khi con người sinh ra, trước hết phải có một cái tên để gọi (minh danh) và quan hệ sinh hoạt trong xã hội loài người.
Do đó, khi xã hội loài người nguyên thủy hình thành tổ chức, gia đình và xã hội, bộ tộc hay bộ lạc ở bất cứ nơi nào trên trái đất thì cái "tên" đã song hành với con người lúc sinh ra. Như vậy, tên của con người có từ thời thượng cổ.
Nhưng vấn đề HỌ, TỘC HỌ hay GIA TỘC thời thượng cổ là một yếu tố cao hơn trong nền văn hóa văn minh của mỗi dân tộc. Vì vậy, HỌ, TỘC HỌ hay GIA TỘC chưa song hành (đi đôi) với tên người trong các bộ tộc, bộ lạc thời nguyên thủy.
Vậy họ là gì ? Theo nghiên cứu của một số nhà sử học, xã hội học và trải nghiệm thực tế hàng ngàn năm nay thì Họ: là tên gọi của "gia tộc", "dòng tộc", "dòng họ", "tộc họ" giống như nhãn hiệu, nhãn mác, biểu tượng (logo) cho một tập thể con người (gia đình, họ hàng), có chung một ông tổ, chung một dòng máu (huyết thống). Chung một tổ quán. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có những cá nhân, gia đình cùng mang một họ với những gia tộc, dòng họ khác mà không chung một vị thủy tổ, cũng không cùng một quê quán và huyết thống nhưng vẫn có cùng một tên gọi Họ như nhau. 

Và Họ có từ bao giờ ? Người Trung Hoa họ gọi Họ là TÍNH hay GIA TÍNH và từ xa xưa họ còn gọi là THỊ. Sau nay họ ghép hai từ này lại gọi HỌ là TÍNH THỊ (.....) để mục đích giải thích trong từ điển và trong nghiên cứu Tộc họ ở Trung Hoa nhằm chỉ ngành khảo cứu này là TÍNH THỊ HỌC. Người Trung Hoa không dùng chữ tộc để gọi là HỌ như ở Việt Nam ta, mà chữ TỘC họ dùng để chỉ một số đông giống người, chỉ một số đông loại sinh vật. Ví dụ như người Hán họ gọi là TỘC HÁN, người Việt họ gọi là VIỆT TỘC, người Tạng họ gọi là TẠNG TỘC, người Mông họ gọi là MÔNG TỘC.v.v...
Những loài sinh vật sống ở dưới nước, ao hồ, sông ngòi, biển cả thì họ gọi là Thủy tộc.
Ở Trung Quốc, chữ NGƯ là cá nên hàng ngàn vạn loài cá đều gọi là NGƯ TỘC. CHỮ ĐIỂU gọi là chim nên tất cả các loại chim họ gọi là ĐIỂU TỘC. Nhưng ở Việt Nam ta hàng ngàn năm nay, cũng có thể do hiểu sai chữ nghĩa của Hán tự, hoặc do vận dụng (cố ý hoặc vô ý) đọc ra, hiểu ra theo chữ Hán - Nôm... Nhưng có lẽ để tỏ rõ ý chí độc lập dân tộc và dị biệt với cách hiểu và dùng chữ của người Bắc quốc đô hộ? nên tổ tiên ông bà cha mẹ ta đã ngang nhiên dùng từ ngữ "Vũ tộc", "Nguyễn tộc", "Phạm tộc", "Trần tộc", "Lê tộc", "Phan tộc",.v.v.. Như vậy đã làm cho người Trung Quốc ngỡ ngàng vì có nhiều từ Hán Nôm người Việt Nam dùng khác nghĩa gốc của người Trung Quốc. Trước và trong khi đó người Hán Hoa hay người Trung Quốc ngày nay đã dùng từ ngữ như: "Bành tính", "Chu tính", "Tôn tính", "Hồ tính",.v.v.. để gọi họ của người Trung Quốc.
Những điều cơ bản nói trên chính là sự hình thành dòng họ nước Việt Nam ta trong quá khứ, nó hơi khác với TÍNH THỊ của người Trung Quốc xưa. Những nhà nghiên cứu về sử học, xã hội học ở Việt Nam đã thống nhất nhận định hệ thống tên họ của người Việt ta là mô phỏng hệ thống TÍNH THỊ của văn hóa Trung Hoa qua thời gian giao thoa, tiếp biến khá lâu dài. Phải nói qua ngàn năm Bắc thuộc, mãi đến thời nhà Hán, nhà Đông Ngô, nhà Tần, nhà Đường đô hộ nước ta và dân tộc Việt cổ ở Giao Chỉ, Giao Châu từ thời Sĩ Nhiếp (187 - 226 sau tây lịch), đến năm (907), đầu thế kỷ thứ X thì nước Việt Nam ta mới bắt đầu hình thành phát triển văn hóa tộc họ. Coi như Họ ở Việt Nam ta có từ đây. Và cũng bắt đầu tứ đó, Họ được dùng làm một từ ngữ, một ký hiệu luôn luôn đứng trước tên của mỗi con người ở Việt Nam.
Một điều đáng lưu ý, người Việt Nam sống ở Bắc đèo Ngang trở ra đàng ngoài thì dùng tiếng HỌ. Còn từ phía Nam đèo Ngang trở vào trong thì lại quen nói: TỘC như "TỘC VÕ", "TỘC NGUYỄN", "TỘC TRẦN", "TỘC HUỲNH" .v.v... khác với người phía Bắc.

Đà Lạt, ngày 03.12.2013
Võ Hoa Thám - Phó Chủ tịch
Hội đồng dòng họ Vũ - Võ Lâm Đồng
(sưu tầm và biên khảo)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét