Translate

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Tìm hiểu Hội đồng hương và Hội đồng dòng họ.



Tìm hiểu
HỘI ĐỒNG HƯƠNG VÀ HỘI ĐỒNG DÒNG HỌ
Giống nhau về hình thức nhưng khác nhau
về bản chất sinh hoạt



Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cả nước ta, dân tộc ta phải mải mê cho sự nghiệp cách mạng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc. Do đó viêc xây dựng quê hương đất nước phải dừng lại; Việc củng cố dòng họ, thờ cúng ông bà Tổ Tiên cha mẹ bị sao nhãng, chưa đến mức độ bỏ quên nhưng không được chu đáo trang nghiêm.
Chiến tranh kết thúc hòa bình lập lại trên đất nước ta, Tổ quốc được thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà thì hầu như khắp cả nước những nhiệm vụ nói trên được khôi phục nhanh chóng và mạnh mẽ…
Anh em trong dòng họ lại cùng nhau tu sửa nhà thờ Họ, xây cất tu bổ mồ mả, bàn thờ gia tiên….Con cháu đi làm ăn xa thì tích góp tiền bạc gửi về để cung tiến công quả cho quê hương dòng họ. Đồng thời lập hội đồng hương (Huyện – Tỉnh) trên đất khách quê người để tập hợp nhau lại; sinh hoạt, giao lưu chia sẻ tình cảm giúp đỡ nhau trong học tập, công tác, lao động sản xuất kinh doanh nhằm phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa quê hương xứ sở của mình góp phần xây dựng quê hương mới nơi đang còn sinh sống.
Có Hội đồng hương đã làm vơi đi nỗi  nhung nhớ quê nhà, nhất là khi mỗi độ xuân về tết đến. Bởi quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nơi đó có hoa cau rụng trắng ngoài thềm, có chùm khế ngọt, có rặng bìm leo bờ dậu, cầu ao, nơi đó còn có cây đa bến nước sân đình. Và “quê hương chỉ có một mà thôi; Nếu ai không nhớ thì không lớn nổi thành người…’’. Phải nói hội đồng hương đã đồng hành với những người đi xa, chỉ có điều chưa trở thành qui mô như hội đồng hương ngày nay.

Còn Hội những người cùng một Họ (hội đồng dòng tộc) thì chưa có ai sáng lập. Phần lớn những người xa quê hương chỉ lập bàn thờ gia tiên nơi mình đang sinh sống để thờ cúng ông bà, bái vọng tổ tiên. Ở quê hương thì ai cũng có họ hàng có nhà thờ ông bà tổ tiên mình mà đứng đầu là một vị Tộc trưởng, hay Chi trưởng của dòng họ. Nhưng việc thờ cúng cũng trong phạm vi từ bậc can cố (Thủy Tổ) trở xuống mà thôi. Còn gốc tích cội nguồn xa xưa đầu tiên của mình không ai biết được. Dòng họ nào gia Phả tục biên được lưu truyền lại cao lắm cũng được 15 – 17 đời phần lớn là chỉ 5-7 đời mới đây.
Từ sau ngày giải phóng miền nam đến nay công cuộc Vấn Tổ Tìm tông, hướng về cội nguồn của các dòng họ trong cả nước gần như trở thành một làn sóng. Đi đầu trong lĩnh vực này là những dòng Họ lớn như dòng Họ VŨ - VÕ, Họ Nguyễn, Họ Phạm, Họ Trần, Họ Lê, Họ Phan v.v.
Có nhu cầu lớn như vậy lại có các bậc cao niên có trình độ học vấn, uyên thâm về Hán - Nôm, có kinh nghiệm nghiên cứu về lịch sử đất nước, dòng Họ và tâm huyết với tổ tiên, trách nhiệm với hậu duệ con cháu nên đã tìm được cội nguồn tiên tổ rồi sáng lập ra hội đồng dòng Họ, phát triển từ Trung ương đến địa phương để hoạt đông theo định  hướng: Hiếu nghĩa truyền gia, khoa danh kế thế ”. Điển hình như dòng họ Vũ - Võ Việt nam đã tìm được vị Thủy Tổ của dòng họ là ông Vũ Hồn phát tích từ làng Mộ Trạch, huyện Đường An, phủ An Nam từ đời nhà Đường sang đô hộ nước ta (nay là xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) đến nay đã ngót 1210 năm. Và khẳng định được con cháu Họ Vũ - Võ Việt Nam ngày nay đều có chung một Thủy Tổ Vũ Hồn lại vừa là “Hương Thủy Tổ” và Thần  Tổ “Thành Hoàng Làng” mà ít các dòng họ trong nước có được. Khẳng định được như vậy bởi qua sử sách, Phả tộc lưu lại đã khảo cứu kiểm chứng thì từ trước đời nhà Đường và sau đó lại nay không có một người họ Vũ nào khác ngoài ông Vũ Hồn ở Việt nam ra…
Mục đích tôn chỉ của các dòng Họ ra đời là để tập hợp những người mang cùng dòng máu trong cả nước và ở nước ngoài, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, uống nước nhớ nguồn, khích lệ việc xây dựng tình nghĩa liên đới trong đại gia đình dòng Họ, nhất là đối với người sống lập nghiệp nơi đất khách quê người để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của Tổ tiên từ xa xưa và tiếp tục viết thêm những trang sử vẻ vang của dòng Họ. Mỗi dòng họ ở các tỉnh thành phải xây dựng được một Từ Đường để con cháu làm nơi thờ cúng, Đức Thủy Tổ của mình, đồng thời là nơi giao lưu văn hóa tâm linh của con cháu trong dòng Họ và ngoài Họ cũng như muôn khách Thập Phương.
Qua giới thiệu hai mô hình của hai hội nói trên thì thấy về mặt hình thức tổ chức có một điểm giống nhau là: đều tập hợp những người xa quê hương sống nơi đất khách quê người thành một hội với mục đích là chia sẻ tình cảm, giúp đỡ nhau trong học tập công tác, lao động sản xuất kinh doanh và phát huy truyền thống cách mạng và văn hóa quê hương xứ sở của mình…
Nhưng khác nhau cơ bản: Hội đồng hương là tập hợp những người có cùng một Tổ quán tức là cùng một Làng Xã, một Huyện, một Tỉnh vào hội để sinh hoạt, chứ không phân biệt người đó mang dòng Họ gì. Mọi người sống với nhau như anh em một nhà theo kiểu: Bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn (Khác Họ nhau, nhưng đều chung một Huyện, một Tỉnh).
Còn Hội đồng dòng Họ bắt buộc những người đó phải có chung một Thủy Tổ, chung một dòng máu (Huyết thống) sinh hoạt của hội trọng tâm là hướng về cội nguồn, tổ tiên, tâm linh, tín ngưỡng, máu mủ ruột rà, dù có xa cách nhau mấy đời và không phân biệt địa dư, vì đây là quan hệ nhân sinh: “Máu loãng còn hơn nước lã đặc”. “ Ngàn muôn người mà gốc một cha mẹ /Năm bảy đời mà trước vẫn là anh em”. Nó có một sức mạnh nội tâm về tình cảm, chứ không phải như quan hệ xã giao trong sinh hoạt đồng hương (Anh với tôi chỉ cùng làng, cùng huyện...) và chỉ là: “ Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Một dẫn chứng sức mạnh tình cảm của những người mang dòng máu của cùng một dòng Họ để chúng ta thấy nó vô giá biết chừng nào.
Những người con mang dòng máu Họ Lý (Lý Thái Tổ) đã trôi dạt sang đất nước Hàn Quốc 800 năm thế mà năm 1992 có một đoàn con cháu mang dòng họ Lý bay từ Hàn Quốc về làng Đình Bảng, Bắc Ninh dâng hương ở nhà thờ Họ Lý rồi ôm chầm lấy những người anh em mang dòng họ Lý ở nơi đây, tủi tủi mừng mừng lệ tràn trên má. Hình ảnh ấy đã làm rung động khắp đất nước Việt Nam ngày đó.
Thế mà trong thực tại còn có nhiều người lẫn lộn hội đồng hương với hội đồng dòng họ, thậm trí có người còn cho hai hội này là một. Từ đó giảm mất nhiệt tình tâm huyết với sinh hoạt dòng họ đang phát triển trong cả Nước hiện nay.
Qua nghiên cứu và suy nghĩ chủ quan, chúng tôi nêu một số vấn đề quan hệ giữa hội Đồng hương và hội Đồng dòng Họ để chúng ta cùng nghiên cứu thảo luận, phân tích để có chung một nhận thức hoàn chỉnh.
                                                                                       
                                                                                   Đà lạt 26- 12 – 2013
                                                                                      VÕ HOA THÁM
                                                                         Phó Chủ tịch Hội đồng dòng Họ
                                                                                   Vũ -Võ Việt nam tỉnh Lâm đồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét