Theo
các tư liệu nghiên cứu về lịch sử dòng họ Vũ-Võ Việt Nam, vào đời nhà Đường
(khoảng đầu thế kỷ thứ 9), có một vị quan tên Vũ Huy, là người làng Mã Kỳ, huyện Long Khê, phủ Thường Châu, tỉnh Phúc Kiến. Sau khi
nghỉ hưu, ông Vũ Huy vốn tinh thông khoa địa lý phong thủy. Trên đường đi du
ngoạn đến đất Giao Châu, ông thấy một thế đất đẹp ở ấp Mạn Nhuế, thuộc huyện Thanh Lâm, đất Hồng
Châu (nay là khu Nhân Hưng, T. trấn Nam Sách, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương),
trên cánh đồng có 98 gò đất nhỏ bao quanh một gò cao và lớn, tựa như 98 ngôi sao
chầu về mặt trời (cửu
thập bát tú triều dương). Gò ấy địa phương
gọi là Đống Dờm. Theo
thuyết địa lý- phong thủy, nếu mộ táng ở
đây con cháu sẽ phát về khoa bảng, công danh hiển hách. Cụ Vũ Huy quay trở
về Phúc Kiến đưa hài cốt thân phụ sang táng ở Đống Dờm, rồi làm nhà ở tạm để
trông nom ngôi mộ.
Khi ấy, ở làng Mạn
Nhuế có thôn nữ tên Nguyễn Thị Đức, con nhà nề nếp, tính tình đoan trang, phúc
hậu. Có lẽ do duyên trời đã định, nên gia đình cô thôn nữ chấp nhận lời cầu hôn
của ông Vũ Huy. Được hơn một năm, bà có thai, ông đưa bà trở về Phúc Kiến.
Ảnh 1: Tượng Ngài tại
miếu thờ ở làng Mộ Trạch,
xã Tân Hồng, Bình Giang, Hải Dương
Mùng Tám tháng
Giêng năm Giáp Thân(804) bà sinh con trai. Ông bà đặt tên con là Vũ Hồn. Ngay từ
thuở nhỏ, Ngài rất khôi ngô, tuấn tú. Vua Đường khen ngợi là nhân tài vì thơ
văn hay, sách lược giỏi, nên xuống chiếu bổ dụng làm Tả Thị Lang Bộ Lễ - một chức
quan khá trong triều đình - vì Bộ Lễ phụ trách lễ nghi, cúng tế và thi cử trong
nước. Được 2 năm lại thăng chức Đô Đài Ngự Sử. Năm 841(Tân Dậu) đời Đường Vũ
Tông, niên hiệu Hội Xương thứ nhất, Ngài được cử làm Kinh Lược Sứ tại An Nam.
Trong thời gian ở An Nam, Ngài Vũ Hồn đã đi kinh lý và xem xét nhiều nơi, đồng
thời để tâm chú ý việc tìm địa điểm tốt, vì Ngài đã muốn chọn quê ngoại để định
cư sau này. Ngài đã nhiều lần về Mạn Nhuế thăm mộ ông nội ở Đống Dờm, sau đó đã
đi thăm tất cả các vùng lân cận. Một lần Ngài đến trang Lạp Trạch, huyện Đường
An, thấy về phía tây thôn ấy có cánh đồng hoang, cỏ lau rậm rạp, rải rác có những
gò đống tựa 5 con ngựa, 7 ngôi sao (ngũ mã tiền triều, thất tinh hậu ứng), hoặc
những ao, mà dưới đáy có doi đất nổi lên như hình quản bút, nghiên mực, quyển
sách… Theo kiến thức về địa lý-phong thủy, đấy là một kiểu đất đẹp rất tốt cho
hậu thế của Trang Ấp này.
Sau Ngài xin từ quan, rồi đưa mẹ sang An Nam
định cư ở Lạp Trạch, vì theo Ngài: “Người xưa
được một ngày nuôi cha mẹ, dẫu làm đến Tam Công cũng không sướng bằng, ta nay còn mẹ già,
há tham giàu sang mà không nghĩ đến hiếu dưỡng hay sao?”
Ngài xây dựng cơ
ngơi cho gia đình, rồi chiêu mộ dân cư ở rải rác các vùng xung quanh về làm ruộng,
khai hoang, giúp đỡ họ tiền bạc để xây dựng nhà cửa. Ngài mở trường dạy học, bốc
thuốc cho dân, lập nên một xóm nhỏ, đặt
tên là Khả Mộ trang (có nghĩa là ấp Đáng Mến), sau này
dân cư đông đúc thêm. Đến đời Trần đổi tên thành thôn Mộ Trạch (nay là Mộ
Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương), dần dần thành một thôn ấp có
văn hoá, có lễ nghĩa và làm ăn thịnh vượng. Do công đức to lớn của Ngài, nên dân
làng Khả Mộ tôn kính Ngài như cha mẹ, đã xin với Ngài: “Dinh cơ ngài hiện nay để
ở, khi Ngài mất, dân làng sẽ dùng làm miếu để thờ phụng Ngài”. Ngài ưng thuận,
bảo rằng: “Trang khu có hậu đạo với ta thì phải trọng lời di chúc của ta, mà
ngàn năm thờ phụng”. Ngài lại cho thêm năm nén vàng, tậu ruộng ao để lo cho việc
tế tự, khỏi phiền dân đóng góp. Ngày Rằm tháng Tám năm Canh Ngọ (850) mẹ Ngài-
cụ Nguyễn Thị Đức- qua đời. Ngài khóc than khôn cùng rồi rước linh cữu mẹ
về táng ở xã Kiệt Đặc, Thanh Lâm (thôn Kiệt Thượng, phường Văn An, Thị xã Chí
Linh, tỉnh Hải Dương ngày nay).
Ảnh 2: Tượng Ngài tại “Từ đường Dòng họ Vũ - Võ
Phương Nam” xã Long Đức, Long Thành, Đồng Nai”.
Ảnh: Vũ Hữu Chính
Năm 853 (Quý Dậu),
khi vừa 49 tuổi, ngày mùng Ba tháng Chạp, Ngài đang dạy học, thì thấy trong người
khó chịu, rồi thiếp đi, không bệnh gì mà hóa. Trang dân và gia nhân rước ngài
lên xứ Đồng Cạn, một gò đất nhỏ ở cánh đồng phía Tây Bắc thôn trang an táng.
Dân làng tôn Ngài làm Thành Hoàng, mới đầu thờ tại dinh cơ Ngài để lại, sau làm
thêm đình, miếu thờ để ghi công Ngài vừa là người khai ấp Khả Mộ, vừa là người
dạy dỗ đem học vấn, lễ nghĩa đến cho dân làng. Đồng thời thờ Ngài như một ông Tổ
đầu tiên của dòng họ Vũ-Võ nước Nam. Bốn mùa hương khói không dứt cho đến ngày
nay.
Sau này, khi phu nhân Ngài qua đời cũng
được con cháu an táng kề bên, gọi là “mộ song táng”. Khu gò đất táng di hài
Ngài có tên Mả Thần. Mả Thần được tôn tạo, tu bổ năm 1993. Sau đó, một số nhà
công đức đã mua thêm đất nới rộng và xây dựng mới rất hoành tráng. Đường vào
làng cũng được mở rộng và khánh thành vào đầu năm 2011. Năm 2012 tiếp tục xây
thêm Tháp Bút, Nghiên Mực và Vườn Tiến sĩ trong quần thể khu lăng mộ của
Thủy Tổ Dòng họ Vũ-Võ Việt Nam, trông vô cùng uy nghi và bền vững để lại cho đời
sau chiêm ngưỡng.
Ghi chú: Hiện nay
có 02 tượng Vũ công Thủy Tổ (mỗi
tượng bằng đồng nặng khoảng 500 kg), do 06 gia đình các vị ở Hà Nội: Võ Văn
Hồng, Vũ Khắc Đan, Vũ Duy Bổng, Vũ Văn Tiền, Võ Văn Minh và Vũ Thế Trường thành
tâm cung tiến cho dòng họ. Một tượng Ngài tại miếu thờ ở làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, Bình Giang, Hải
Dương và một tượng Ngài tại “Từ đường Dòng họ Vũ-Võ phương
Nam” Khu 13, xã Long Đức, Long Thành, Đồng
Nai”. (Xem
video đại lễ an vị tượng tại website: www.hovuvo.com)
Cử nhân VŨ HỮU
CHÍNH
Chánh Văn phòng HĐDH. Vũ –Võ phương Nam
Tổng
hợp 01-2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét