Translate

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Một quyết định to lớn và "khó khăn" nhất trong cuộc đời cầm quân của vị tướng họ Võ. Nhưng đã đưa đến chiến thắng tuyệt đối và toàn diện trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954


 Mùa thu năm 1953 NaVa tổng chỉ huy quân đội Pháp ở chiến trường Đông Dương biết được chủ trương của ta sẽ đánh chiếm thị xã Lai Châu, đơn vị cuối cùng của Pháp còn lại ở Tây bắc và đánh sang mặt trận Lào, xuống đông bắc Cam Pu Chia rồi quật về đánh vào Trung,Trung bộ. Nên NaVa đã cấp tốc cho sáu tiểu đoàn nhẩy dù xuống lòng chảo Điện Biên Phủ để chốt chặn quân ta. Đồng thời xây dựng tập đoàn cứ điểm ở đây để phòng thủ lâu dài.NaVa còn nhận định lòng chảo Điện Biên có cánh đồng Mường Thanh rộng lớn chỉ cách Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ 300 – 500 km đường chim bay, chỉ có một con đường số 6 đi qua hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La lên Điện Biên, nên việc tiếp tế bằng sức người cho bộ đội của ông Giáp ở chiến trường vô cùng khó khăn và dễ bị chúng ném bom tiêu diệt.
          NaVa còn lạc quan cho rằng mình có kinh nghiệm xây dựng tập đoàn cứ điểm ở thị xã Hòa Bình, Nà Sản trong chiến dịch Đông Xuân 1952 mà quân ông Giáp không đánh chiếm được, lại còn thất bại. Cứ điểm Điện Biên Phủ được xây dựng kiên cố với 16.000 quân, có cầu hàng không lớn với vũ khí tối tân, hiện đại, thì nơi đây là một điểm bất khả xâm phạm. Nếu tướng Giáp liều lĩnh tấn công vào thì chỉ là một  cái cối “xay thịt” quân của ông mà thôi và NaVa đã thả truyền đơn thách thức tướng Giáp tấn công….
          Về phía ta, khi biết được Pháp xây dựng cứ điểm ở Điện Biên Phủ thì Bác Hồ và Đại Tướng Võ Nguyên Giáp khẳng khái cho đây là một cơ hội tốt nhất để ta tiêu diệt địch, đánh bại ý chí xâm lược lâu dài nước ta. Sau nhận định, Bác Hồ và Đại Tướng đã nhanh chóng điều động phần lớn các Đại đoàn quân chủ lực hành quân lên Tây Bắc. Với quan điểm “Chiến tranh nhân dân” Chính phủ đã ra hẩu hiệu: “Tất cả cho Điện Biên”, thế là hàng chục vạn dân công của các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, tỉnh Thanh Hóa được điều động lên làm đường và vận chuyển hàng hóa cho chiến dịch… Khí thế ra quân như ngày hội, cùng với niềm tin và sự trưởng thành vượt bậc của quân đội ta về nhiều mặt qua tám năm kháng chiến, nên có đủ khả năng đánh bại chủ trương phòng ngự cao nhất của Pháp và sẽ giáng một đòn chí tử quyết định sớm kết thúc chiến tranh ở Việt nam và cả Đông Dương.
          Có thể nói đến thời điểm này, cả hai bên tham chiến đều có một trận đánh quyết định mà cả hai đều muốn giành thắng lợi. Nhưng Pháp là kẻ chủ động, lại trở thành kẻ bị động,  nên buộc tướng NaVa phải thay đổi kế hoạch từ bỏ ý định, bình định xong Miền Nam Việt Nam, dẹp được vùng tự do của Việt Minh, rồi mùa thu 1955 mới ra nghênh chiến với ta ở Điện Biên Phủ. Thế là ngày 03-12-1953 NaVa đã phải chấp nhận tham chiến với quân ta. Đây là một quyết định hết sức táo bạo của NaVa, nhưng lại là một quyết định sai lầm lớn nhất của cuộc đời binh nghiệp của ông ta. Chỉ sau  ba ngày Pháp chấp nhận nghinh chiến, ngày 06-12-1953 Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng ta họp mở rộng để thông qua kế hoạch tác chiến do Tổng Quân Ủy  Trung Ương trình bày. Cuộc họp do Bác Hồ chủ trì. Như vậy điện Biên Phủ đã trở thành điểm hẹn lịch sử chỉ trong vòng một tuần lễ, tính từ khi tên lính Pháp đầu tiên nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên (20-11-1953). Cũng có thể nói đây là một trận đánh cuối cùng với thực dân Pháp, kết thúc chín năm kháng chiến trường kỳ đầy hy sinh gian khổ của cả dân tộc ta.

Trách nhiệm hết sức nặng nề của
vị tướng quân Họ Võ

Theo kế hoạch tác chiến , chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ diễn ra trong 45 ngày và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm tư lệnh chiến dịch, kiêm bí thư Đảng Ủy mặt trận. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái làm tham mưu trưởng chiến dịch, phía đoàn cố vấn của Trung quốc có ông Mai Gia Sinh tham mưu trưởng. Trung tuần tháng 12 năm 1953 ta đã xây dựng xong kế hoạch tác chiến cụ thể với sự giúp đỡ của cố vấn quân sự Trung quốc. Theo ý tứ của Đại Tướng viết trong hồi ký sau này thì đây là lần đầu tiên bộ đội ta mở một chiến dịch tiến công qui mô lớn cỡ tập đoàn có tới hàng vạn quân… Tuy cán bộ chiến sỹ của ta đã chuẩn bị tốt cho chiến dịch, nhưng đây là thách thức lớn chưa từng có trong chiến tranh. Địch có nhiều cứ điểm rải rác trên cánh đồng Mường Thanh trống trải, lại có nhiều phương tiện hiện đại vũ khí tối tân vv… Trong khi đó một trận đánh không cho phép chúng ta phải thua.
Chiến trường này tập trung nhiều tinh hoa bộ đội chủ lực có kinh nghiệm qua tám năm kháng chiến , vốn liếng rất quí giá, nhưng lại ít ỏi. Tuy cán bộ chiến sĩ quyết tâm rất cao thà hy sinh để chiến thắng. Nhưng Đại Tướng muốn chiến thắng nhưng phải bảo toàn được lực lượng những tinh hoa ấy để còn phục vụ cho chiến tranh lâu dài.
Ngày 05-01-1954 trước khi ra trận Đại Tướng đến chào tạm biệt Bác Hồ ở Khuổi Tát, Bác hỏi: “Chú đi xa như vậy chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại không…” Đại Tướng trả lời: “Trở ngại là ở xa khi có vấn đề quan trọng cấp thiết khó xin ý kiến chỉ đạo của Bác và Bộ chính trị”. Bác động viên: “Tổng tư lệnh mặt trận, “Tướng quân tại ngoại” trao cho chú toàn quyền, có vấn đề gì khó khăn bàn thống nhất trong Đảng Ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Bác dặn dò Đại Tướng: “Trận đánh này rất quan trọng phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Nghe Bác dặn Đại Tướng Võ Nguyên Giáp cảm thấy trách nhiệm hết sức nặng nề… Và tự đặt câu hỏi cho mình: “Tại sao chọn đánh nhanh”… Ngày 12-01-1954 Đại Tướng cùng cố vấn Trung quốc và một số cán bộ đến sở chỉ huy thì biết phía ta và cố vấn Trung quốc đã thống nhất sẽ nổ súng, mở màn chiến dịch vào ngày 20-01-1954 với phương châm: “Đánh nhanh giải quyết nhanh” trong vòng ba đêm hai ngày. Đây là điều Đại Tướng chưa hề nghĩ tới. Như ông đã viết trong hồi ký sau này: “Tôi vẫn cho rằng đánh nhanh không thể thắng lợi, nhưng chưa có đủ thực tế để bác bỏ phương án các đồng chí đi trước đã chọn. Cũng không còn thời gian báo cáo Bộ chính trị, tôi đồng ý triệu tập hội nghị triển khai kế hoạch chiến đấu. Tôi nói với đồng chí Nguyễn Văn Hiếu Chánh văn phòng Bộ, sự cân nhắc của mình, dặn dò theo dõi tình hình nghiên cứu, suy nghĩ thêm và được trao đổi riêng với tôi vấn đề này. Tôi chỉ thị cho đồng chí Cao Pha Cục phó cục II điều tra thật cẩn thận những vị trí trên cánh đồng hướng tây, nơi được coi là sơ hở, ta sẽ dùng mũi thọc sâu đánh vào. Và yêu cầu phải báo cáo hàng ngày những hiện tượng như tăng quân, củng cố quân sự của địch”. (Tổng hợp hồi ký sđd trang 919 )
Lý do đề ra phương châm: “Tác chiến đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Số là ngày ấy Đại Tướng Võ Nguyên Giáp bận một số công việc nên phải ra trận sau, do đó các đồng chí đi trước, khi hành quân đến Nà Sản thì dừng lại. Ông Hoàng Văn Thái thận trọng bàn với ông Mai Gia Sinh cố vấn nghiên cứu vì sao 1952 ta đánh không thành công ở cứ điểm này và thị xã Hòa Bình. Ông Mai nói vì lúc đó ta đánh thu hồi “ Bóc vỏ” chỉ tập trung đánh một điểm không có lực lượng chế áp pháo binh, bị địch phản pháo và máy bay Pháp ném bom nên không chiếm được cứ điểm, mà nếu chiếm được cũng không giữ được. Lần này phải đánh “Moi tim” và phải đánh nhanh, nếu không đánh sớm thì địch sẽ tăng quân số và củng cố công sự…
Trong một cuộc họp Đảng Ủy chiến dịch, có cố vấn Trung quốc tham dự do Đại Tướng triệu tập, Ông Đặng Kiên Giang phụ trách hậu cần còn bảo: tranh thủ đánh sớm, Điện Biên Phủ mỗi ngày quân ăn hết 50 tấn gạo, dân công gánh gạo từ Thanh Hóa lên đến kho tính ra mỗi người chỉ còn 1-2 kg, ta chỉ có 628 xe Liên Xô viện trợ, đường độc đạo bị nó đánh ghê nhất là đèo Lũng Lô, ngã ba Cò Nòi. Chủ nhiệm chính trị Lê Liêm thì nói: bộ đội ngại đi Tây Bắc đó là chưa nói vắt, muỗi, bọ chó vv… tâm lý anh em thích đánh đồng bằng,  lên đây họ muốn đánh sớm còn về xuôi. Đánh nhanh hợp tâm lý bộ đội. Vì những lý do nêu trên, nên mới có phương châm: “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” của các đồng chí đi trước…
Ngày 14-01-1954 Bộ chỉ huy họp phổ biến kế hoạch tác chiến tại hang Thẩm Púa có mặt đầy đủ các Đại đoàn trưởng, Chính ủy như Vương Thừa Vũ, Chu Huy Mân, Trần Độ, Phạm Ngọc Mậu… và nhiều cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn đã từng tham gia nhiều chiến dịch. Sau khi mệnh lệnh chiến đấu được chỉ rõ trên một sa bàn lớn. Đại Tướng hỏi có ai thắc mắc gì không ? (không có ai thắc mắc). Thực lực trận này ta có 24 lựu pháo mấy chục sơn pháo, cối 120 ly, trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta chưa bao giờ có hỏa lực mạnh đến thế. Mọi người khí thế, tin tưởng muốn đánh lắm rồi. Vốn rất thận trọng Đại Tướng đi gặp ông Vi Quốc Thanh nói với ông rằng: “Tôi với anh bàn ở hậu phương, dự kiến đánh chắc, tiến chắc ta đã báo cáo với Bác Hồ và Trung Ương là đánh 45 ngày, giờ anh em ở đây định giải quyết trong 03 đêm 02 ngày. Ông Vi là người thận trọng nhưng cũng bảo: “Tôi thấy anh Mai ( Mai Gia Sinh ) và anh Thái đi cả tháng trời rồi, đúng là có khi phải đánh nhanh, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội đánh trận này, mà Đông Xuân này phải đánh một trận, chả nhẽ kéo 05 vạn quân lên đây rồi kéo về tay không” (Chuyện những người làm nên lịch sử trang 76).
Trong cuộc họp quan trọng này cố vấn Mai Gia Sinh còn đề nghị chiều 20-01cấp tập hỏa lực, giọt 2000 viên 105 mm làm tê liệt pháo binh địch, sau đó chuyển làn về sau yểm hộ cho bộ binh xung phong. Đại đoàn 308 theo kế hoạch sau khi pháo bắn xong cứ xông ra cánh đồng Mường Thanh vào sở chỉ huy địch. Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái thận trọng hỏi: “Đường chưa mở, sao đưa pháo vào kịp”. ông Mai Gia Sinh giải thích chỉ cần mở đường Tuần Giáo đi Mường Thanh để xe GMC kéo vào cách Điện Biên 12km, thì hạ càng pháo dùng sức người kéo vào. Nếu làm được, sẽ tạo ra yếu tố bất ngờ. Nghe cũng có lý. Ông Hoàng Văn Thái hỏi tiếp: “Bộ đội tôi chưa quen đánh ban ngày, giờ đánh ngày địch có máy bay, pháo”. Ông Mai giải thích “Ta xông vào đêm trước, sáng hôm sau đánh xen kẽ với địch, thì máy bay nó không giám ném bom, vì chết ta thì cũng chết nó”. Trước những lý lẽ như vậy, trong lúc quân địch chưa đông , hầm hố, công sự chưa kịp củng cố vững chắc  mọi người trong cuộc họp này thống nhất đánh theo phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Còn kết thúc hội nghị, Đại Tướng nói: “Giờ ta đánh theo phương án này,nhưng suốt quá trình chuẩn bị phải theo dõi đài địch để có gì mới kịp thời xử trí”.
Nói như vậy nhưng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp vẫn Băn Khoăn: Mặc dù ông rất tôn trọng ý kiến tập thể, nhưng trong lương tâm ông không đặt hết tin tưởng vào cách “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Điều đó ông thể hiện trong hồi ký như sau: “Từ hội nghị Thẩm Púa tới khi đưa pháo vào trận địa đối với tôi là một thời gian dài. Nhiều đêm thao thức: Suy tính, cân nhắc rất nhiều lần vẫn chỉ toàn thấy rất ít yếu tố thắng lợi…Trước ngày nổ súng đồng chí Phạm Kiệt cục phó cục bảo vệ, đề nghị gặp tôi qua điện thoại : Anh Kiệt nhận xét: pháo của ta đều đặt trên trận địa giã chiến, địa hình rất trống trải; nếu bị phản pháo hoặc máy bay đánh phá sẽ khó tránh khỏi tổn thất” (Trích hồi ký sđd trang 992).
Khi GMC kéo pháo 105 vào cách Điện Biên 12 km, từ đó hạ càng để kéo tay vào vị trí chính, dự kiến mất 4-5 ngày, nhưng thực tế, không thực hiện được đúng như vậy. Vì đường mới mở tạm lại nhiều đèo dốc, bộ đội chưa có kinh nghiệm kéo những khẩu pháo nặng trên 2 tấn. Trong khi đó máy bay địch quần lượn, tốc độ chậm không kịp ngày nổ súng( 21-01-1954 ), buộc Bộ chỉ huy chiến dịch phải dời lại đến ngày 25-01-1954. Ngày tháng cứ trôi qua mau, Đại Tướng nắm qua các nguồn tin trinh sát của Bộ, qua đài địch thì thấy quân Pháp tăng cường lực lượng, củng cố căn cứ ngày càng vững chắc. Công tác tư tưởng chỉ mới nhắc tới quyết tâm mà ít bàn tới việc khắc phục khó khăn. Một điều bất ngờ đối với Đại Tướng, sắp tới giờ nổ súng mà Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm ở Đại đoàn 312 đề nghị trả lại bớt pháo vì quá nhiều. Đại Tướng lưu ý đây là một hiện tượng chưa bao giờ xẩy ra ở một đơn vị đột kích, lại từ chối pháo phối thuộc. Từ những yếu tố nói trên, Đại Tướng đêm ngày suy nghĩ tìm cách đánh như thế nào cho hiệu quả, hạn chế tối đa tổn thất và giành thắng lợi. Một tháng trôi qua cứ mỗi ngày Đại Tướng nhận rõ thêm không thể đánh nhanh được. Lời dặn của Bác cứ văng vẳng bên tai, chỉ được thắng không được bại. Vì bại là “Hết vốn”. Đêm ngày 25-01( ngày dời nổ súng ) Đại Tướng không bao giờ chợp mắt, đầu đau như búa bổ, y sĩ Thùy phải buộc lên trán Đại Tướng một nắm ngải cứu. Không ngủ được Đại Tướng lại nhớ lại những lý do được các thành viên trong Bộ chỉ huy chiến dịch đã nêu ra. Những lý do ấy ta có thể khắc phục được, nhưng Đại Tướng lại phân tích: Chúng ta có lựu pháo và cao xạ lần đầu xuất hiện ở mặt trận này nhưng chỉ có vài ngàn viên đạn thôi. Chúng ta có sức mạnh quân và dân và tinh thần quyết chiến. Nhưng với sức mạnh đó vẫn có những giới hạn, không phải lợi thế này mà lúc nào cũng chiến thắng quân địch. Đại Tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: Chúng ta không thể giành thắng lợi với bất cứ giá nào vì phải giữ gìn vốn liếng cho cuộc chiến lâu dài. Ở chiến dịch này có ba khó khăn nổi lên: Một là bộ đôị chủ lực chỉ tiêu diệt cao nhất cấp tiểu đoàn, tăng cường củng cố công sự vững chắc như ở Nghĩa Lộ - Nà Sản, chúng ta mới đánh vào vị trí tiểu đoàn, dưới tiểu đoàn, có công sự giã chiến nằm nằm trong tập đoàn cứ điểm, vẫn có những trận đánh không thành công, thương vong nhiều. Hai là, trận này ta không có máy bay, xe tăng, nhưng đánh hợp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh với qui mô lớn lần đầu mà lại chưa qua diễn tập. Có Trung đoàn trưởng xin trả  lại pháo vì không biết phối hợp như thế nào. Ba là, bộ đội ta từ trước đến nay chỉ quen đánh ban đêm ở địa bàn dễ ẩn náu, chủ lực ta chưa có kinh nghiệm, công kích ban ngày ở địa hình bằng phẳng, với kẻ địch có nhiều ưu thế về máy bay, xe tăng, pháo binh. Trận đánh lại diễn ra trên một cánh đồng dài 15km rộng 7km. Theo Đại Tướng cả ba khó khăn này đều chưa bàn bạc kỹ để tìm cách khắc phục…Đến khi pháo của ta đã tập kết vào vị trí , các Đại đoàn đã có mặt ở tuyến xung phong nhưng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp hoãn trận đánh với ba lý do nói trên, cộng với một vấn đề quan trọng đó là: Trước trận đánh một chiến sĩ của ta bị  địch bắt, địch đã khai thác, toàn bộ kế hoạch đánh trận này của ta đã bị lộ… NaVa đã có kế hoạch đối phó với ta…Biết việc hoãn kế hoạch đán, tác động đến tinh thần và khí thế của bộ đội, nhưng không thể khác được. Thể hiện bản lĩnh của nhà cầm quân lớn: Ngày 26-01-1954 Đại Tướng gọi điện cho Đại tá Hoàng Minh Phương lên gặp Đại Tướng lúc 05 giờ sáng, khi đến ông Phương thấy trên đầu Đại Tướng còn quấn nắm ngải cứu ngồi trầm ngâm bên bàn tre… Đại Tướng nói với Đại tá Phương: Mười một ngày đêm đã qua, mình trăn trở không sao ngủ được, chiều nay trận đánh bắt đầu, nhưng những yếu tố thắng lợi, không nắm chắc và bảo ông Phương mời trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh đến làm việc với Đại Tướng. Khi gặp Đại Tướng ông Vi Quốc Thanh muốn biết tình hình tác chiến… đến thời điểm này ra sao? Thì Đại Tướng nói luôn: Đó là vấn đề tôi muốn trao đổi với anh hôm nay. Đại Tướng cho rằng tình hình địch không còn ở trạng thái phòng ngự lâm thời mà đã trở thành một Tập đoàn phòng ngự kiên cố, nên không thể đánh theo phương châm đã chọn  vì đã thấy rõ ba khó khăn lớn của bộ đội ta…Tôi quyết định hoãn cuộc tấn công ngay chiều nay, thu quân về vị trí tập kết chuẩn bị lại phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”. Chỉ suy nghĩ một lát, Vi Quốc Thanh đồng ý với quan điểm của Đại Tướng và hứa sẽ làm tốt công tác tư tưởng với các đồng chí trong đoàn cố vấn. Luôn tiện hôm đó Đại Tướng bộc lộ cho Trưởng đoàn cố vấn sẽ có cuộc họp Đảng Ủy mặt trận để thông báo quyết định và dự kiến cho Đại đoàn 308 tiến về Luông Pha Băng, bộc lộ lực lượng để kéo địch về hướng đó, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội khi kéo pháo ra…
Trước 10 tiếng đồng  hồ dự định nổ súng, cuộc họp Đảng Ủy mặt trận được tiến hành( 26-01-1954 ), Khi nghe Đại Tướng quyết định cho lui quân thay đổi cách đánh, thì các đồng chí Lê Liêm chủ nhiệm chính trị, đồng chí Đặng Kim Giang chủ nhiệm cung cấp( hậu cần ) đồng chí Hoàng Văn Thái, đều không đồng ý việc lui quân và thay đổi cách đánh… Sau giây lát để các đồng chí trên suy nghĩ thêm, Đại Tướng đặt câu hỏi với hội nghị: “Nếu đánh có chắc thắng 100% không”. Đồng chí Lê Liêm nói: “Anh Văn nêu câu hỏi thật khó trả lời… ai giám bảo chiến thắng 100%” . Đồng chí Đặng Kim Giang nói: “Làm sao đảm bảo như vậy, tôi nghĩ rằng trận này ta phải bảo đảm chắc thắng 100%”. Còn đồng chí Hoàng Văn Thái nói: “Nếu yêu cầu chắc thắng 100% thì khó…”. Cuối cùng ý kiến của Đảng Ủy thống nhất. Trận đánh gặp nhiều khó khăn mà chưa có biện pháp khắc phục. Từ ý kiến này Đại Tướng Võ Nguyên Giáp quyết định hoãn cuộc tấn công, ra lệnh cho bộ đội toàn tuyến lùi về địa điểm tập kết và kéo pháo ra, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang phương châm mới. anh Hoàng Văn Thái ra lệnh cho các đơn vị bộ binh. Đại Tướng ra lệnh cho pháo binh và trao nhiệm vụ mới cho Đại đoàn 308. Đại Tướng trực tiếp điện thoại cho pháo binh biết tình hình thay đổi vẫn giữ vững quyết tâm tiêu diệt Trần Đình( Bí danh của Điện Biên Phủ trong chiến dịnh )…Từ 17 giờ hôm nay kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về địa điểm tập kết chuẩn bị lại cách đánh. Đại đoàn chủ công của ông Vương Thừa Vũ nhận được lệnh của Đại Tướng đã nhanh chóng chuyển sang Luông Pha Băng ngay 4 giờ hôm đó. Các chỉ huy đơn vị khác đều triệt để chấp hành mà không được phép hỏi lý do hoãn nổ súng…Tình hình không cho phép dùng điện đài báo cáo mà phải viết tay nên tối hôm đó Đại Tướng viết thư hỏa tốc đề nghị Bác, Bộ chính trị cho chuyển sang phương châm “Đánh chắc, thắng chắc”, quyết giành thắng lợi, nhưng chiến dịch sẽ phải kéo dài, cần khắc phục khó khăn lớn về hậu cần. Ông Nguyễn Công Dinh cán bộ tác chiến được dùng xe Zép duy nhất của cơ quan tham mưu mang thư đi các đơn vị và khu căn cứ.(Trích những ý chính trong tổng hồi ký Sđd… )
Như vậy trong ngày hôm đó đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện được quyết định “Khó khăn” nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình. “Đánh chắc, thắng chắc” là một quyết định hết sức chính xác và phúc hậu. Chỉ hơn một tháng rưỡi thôi nhưng nó là một sự cần thiết và quí giá đưa đến thắng lợi toàn diện của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
“…Với lực lượng trên 260.000 dân công hỏa tuyến, bằng đủ mọi phương tiện chuyên chở và quyết tâm cao hơn núi, ta đã khắc phục được khó khăn tưởng chừng như không vượt qua được, đảm bảo cung cấp đầy đủ vũ khí đạn dược, lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men cho 50.000 bộ đội và hàng vạn dân công phục vụ chiến dịch, mở hàng chục km đường để đưa pháo vào trận địa. Bộ đội ta đã đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt làm bị thương và bắt sống 16.000 quân địch đồn trú tại đây. Đánh bại hình thức phòng ngự cao nhất của thực dân Pháp, đánh sụp ý chí chiến tranh của đối phương. Mặc dù tổn thất của địch ở Điện Biên chỉ bằng 4% tổng số binh lực của đội quân viễn chinh Pháp trên toàn Đông Dương.  Buộc Pháp không có con đường nào khác phải ngồi vào đàm phán và ký hiệp định Giơneve ngày 21-7-1954 chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.” (Theo Nguyễn Mạnh Hà PGS-TS)
Ngày 07-05-2014 Nhà nước ta tổ chức trọng đại lễ  kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ngày 04-10-2014 cũng vừa tròn một năm ngày kỵ Đại Tướng người con Họ Võ của chúng ta đã đi xa. Nhân dịp này tôi sưu tầm và biên soạn bài viết này để cùng với những người con dòng họ Vũ Võ tri ân và tự hào, chia sẻ với Đại Tướng có một quyết định “Khó khăn”nhất trong cuộc đời cầm quân của mình. Nhưng hết sức chính xác và phúc hậu, đưa đến thắng lợi toàn diện ở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.                                                      
                                                                 Đà lạt, 28-4-2014
                                                                     Võ Hoa Thám
                                            (P. Chủ tịch HĐDH Vũ, Võ tỉnh Lâm Đồng)


Lực lượng hai bên ở Điện Biên Phủ



1.      Quân đội Liên hiệp Pháp:

- 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh (trong chiến dịch được tăng viện 4 tiểu đoàn và 2 đại đội  lính dù).
- Có 3 tiểu đoàn pháo 105 mm gồm 24 khẩu, sau đó được tăng viện 4 khẩu nữa.
- 1 đại đội pháo 155 mm gồm 4 khẩu.
- Hai đại đội súng cối 120 mm gồm 20 khẩu.
- 1 phi đội máy bay gồm 14 chiếc (có 7 khu trục, 6 máy bay liên lạc trinh sát, 1 máy bay lên thẳng).
- 1 tiểu đoàn công binh.
- 1 tiểu đoàn xe tăng 18 tấn gồm 10 chiếc loại M-24 của Mỹ.
- 1 đại đội xe tải gồm 200 chiếc.
Ngoài ra có 100 máy bay Dakota C47, 16 chiếc Packet C119 thuộc lực lượng không quân vận tải của Pháp và một số máy bay dân dụng của Mỹ; 168 máy bay ném bom của không quân và hải quân, trong đó có 48 chiếc B26- Invader; 8 chiếc B24- Prvater, 112 cường kích các loại F8F, Helldrver SB2C, Corsair F4U.
Tập đoàn cứ điểm có quân số khoảng 16.000, chia làm 3 phân khu , bắc, trung tâm, nam; với 8 trung tâm đề kháng, tổng cộng là 49 cứ điểm. Có 2 sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm.

2. Quân đội nhân dân Việt Nam:

- Có 4 Đại đoàn bộ binh (308,312,304 và 316) gồm 10 trung đoàn và một đại đoàn công binh-pháo binh 351.
- Trung đoàn 45 lựu pháo 105 mm gồm 24 khẩu.
- Trung đoàn 675 sơn pháo 75 mm gồm 24 khẩu.
- 4 đại đội súng cối 120 mm gồm 16 khẩu.
- 1 tiểu đoàn gồm 12 giàn hỏa tiễn 6 nòng-H6
- 1 tiểu đoàn ĐKZ 75 mm và súng cối 82 mm gồm 54 khẩu.
- Trung đoàn 367 pháo cao xạ 37 mm gồm 36 khẩu.
- Súng máy phòng không 12,7 mm gồm 132 khẩu của các đơn vị pháo cao xạ và bộ binh.
- 628 xe tải, 21.000 xe đạp thồ và 20.000 phương tiện vận chuyển khác.
- Tổng quân số tham gia chiến dịch khoảng 50.000 người.
- Số dân công phục vụ chiến dịch hơn 260.000 người.
- Sử dụng 25.000 tấn lương thực, hơn 900 tấn thịt và hàng ngàn tấn thực phẩm khác.
 (Tư liệu của Viện lịch sử quân đội)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét